8/10/10

trường hợp Lưu Hiểu Ba



ông Lưu là một giáo sư tiến sĩ
có quyền lợi địa vị vững vàng
có uy tín được xã hội trọng vọng
nhưng không chú tâm dậy học
mà đi hoạt động đấu tranh
trở thành nhà bất đồng chính kiến
được quốc tế trao tặng nhiều giải nhân quyền
ông bị công an theo dõi khủng bố bắt giam
mất hết những ưu thế đặc quyền xã hội
điều gì đã thúc đẩy ông?

ông Lưu cách đây hai chục năm
từ Mỹ trở về nước
tham dự phong trào dân chủ Thiên An Môn
may mắn thoát cuộc thảm sát sinh viên
của Quân đội Nhân dân
nhưng cũng bị bắt bị kết án
bị đi tù cải tạo lao động
ông chịu đựng can trường
điều gì đã thúc đẩy ông?

ra tù ông tiếp tục tranh đấu
lại bị bắt nhiều lần
bị cáo buộc đủ thứ tội:
tội tuyên truyền phỉ báng chế độ
tội phá rối trật tự công cộng
tội chỉ trích đảng Cộng Sản
tội làm xấu mặt nhà nước
ông lại bị kết án bị tù
vậy mà ông vẫn không sợ
điều gì đã thúc đẩy ông?

ông Lưu là đồng tác giả bản Hiến chương Linh bát
với hơn tám ngàn chữ ký người dân
thuộc đủ mọi thành phần xã hội Trung Hoa
phổ biến nhân ngày kỷ niệm 60 năm
bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền
trong đó là những nhận định sâu sắc
đòi cải cách hệ thống chính trị độc đảng
đòi tự do tư tưởng
đòi tự do ngôn luận
đòi tôn trọng nhân quyền
đòi tự do bầu cử
...
ông bị bắt đêm ấn hành bản hiến chương
trong lúc bị biệt giam
ông không được gặp vợ
không được gặp luật sư
ông chấp nhận đày ải ngục tù
điều gì đã thúc đẩy ông?

nhà nước đem ông Lưu ra xử
vợ ông không được tham dự
giới báo chí các nhà ngoại giao
các đại diện tổ chức quốc tế
phải đứng ngoài tòa quan sát
vì lý do "hết chỗ ngồi"
quan tòa kết tội ông "kích động lật đổ chính quyền"
tuyên án 11 năm tù
ông quyết định kháng án

thế giới phản ứng tích cực
các lãnh tụ khối tự do lên tiếng
nhiều hội đoàn quốc tế tranh đấu vì ông
yêu cầu thả ông vô điều kiện
nhưng nhà nước Trung Quốc phản bác
đòi thế giới tôn trọng sự độc lập pháp lý của họ
ngừng can thiệp vào nội bộ quốc gia
họ có lý do của họ
phải bảo vệ chế độ độc tài
phải duy trì hệ thống toàn trị
phải đàn áp mọi thách thức quyền lực Đảng

điều gì đã thúc đẩy ông Lưu
tranh đấu cho tự do dân chủ nhân quyền
chấp nhận bắt giữ tra tấn tù đày
chịu đựng mọi hoạn nạn khổ cực
cho chính mình và gia đình?
có phải đó là tinh thần kẻ sĩ dấn thân
là trí thức có trách nhiệm
là nhà văn có lương tâm
là bổn phận người dân yêu nước?

Blogger template 'Fly Away' designed by Ourblogtemplates.com   © 2008

Back to TOP