20/10/2010

Lưu Hiểu Ba: Một ngọn đuốc cho nhân quyền và tự do dân chủ



Ngày thứ Sáu, mùng 8 tháng 10 năm 2010
giống như mọi ngày tù u ám khác
ở trại giam Cẩm Châu
trong hệ thống lao tù Trung Quốc
ông Lưu Hiểu Ba, 54 tuổi
giáo sư đại học, nhà văn, và tù nhân lương tâm
vẫn đang phải lao tác
để trả án 11 năm tù
do chế độ cộng sản Bắc Kinh áp đặt
sau khi đã gán cho ông tội danh
"khích động lật đổ chính quyền"
Ông Lưu không hề hay biết
mình đã được Ủy ban giải thưởng Nobel của Na Uy
trao giải Nobel Hòa bình
cho mãi đến đêm ngày hôm sau
ông mới biết tin do bọn cai ngục loan báo

Lý do Ủy ban viện dẫn khi trao giải cho ông
là vì trong nhiều thập niên qua
ông đã kiên cường bất khuất
tranh đấu bất bạo động
chấp nhận tất cả những hiểm nguy
đến với cá nhân và gia đình
để đòi nhân quyền và tự do dân chủ
cho mọi người dân trên đất nước ông
Khi bà Lưu Hà, vợ ông được cho phép vào thăm
ông đã khóc và tuyên bố hiến dâng
giải thưởng Nobel Hòa bình của ông cho những liệt sĩ
đã hy sinh trong cuộc thảm sát Thiên An Môn

Ai có thể quên biến cố đẫm máu Thiên An Môn
vào đêm mùng 4 tháng 6 năm 1989
khi Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc
tuân theo lệnh của đám lãnh đạo độc tài Bắc Kinh
dùng xe tăng và súng đạn tàn sát
hàng ngàn sinh viên, học sinh và thường dân
trong khi họ đang tụ tập tại quảng trường
có nhiều người đang ngồi tuyệt thực
để phản đối chế độ độc tài cộng sản
đòi tôn trọng nhân quyền
đòi thực thi tự do dân chủ
Sự sắt máu của đảng cộng sản Trung Quốc
sẵn sàng ra lệnh cho quân đội Nhân dân
tàn sát đồng bào của mình
để bảo vệ quyền lực cai trị bất xứng
là một vết đen lớn trong lịch sử Trung Hoa

Sau biến cố Thiên An Môn
ông Lưu đã bị công an theo dõi khủng bố
bị bắt giam nhiều lần
bị gán đủ thứ tội danh
Nhưng ông vẫn dấn thân
quyết tâm nói lên sự thật
về những tệ trạng xã hội Trung Hoa
Lạm dụng quyền thế, tham nhũng, bất công tràn lan
Cán bộ đảng viên cộng sản sung sướng ăn trên ngồi trốc
trong khi đa số dân chúng thì lầm than khổ cực
cày ruộng lam lũ ở thôn quê
hay lao động đổ mồ hôi trong công nghiệp
Khoảng cách giầu nghèo càng ngày càng lớn
tệ đoan xã hội càng ngày càng nhiều
nền tảng đạo đức càng ngày càng suy đồi
tội ác thành thị càng ngày càng tăng
khối lượng dân oan càng ngày càng lớn
công lý tòa án dùng phục vụ kẻ có quyền thế và đồng tiền
Tất cả gây ra bởi hệ thống chính trị độc đảng
với một giai tầng lãnh đạo chuyên chính độc tài
chỉ lo bảo vệ ngôi vị của mình
bằng bạo lực và dối trá
bọn họ bưng bít sự thật
đàn áp dã man mọi phong trào đối kháng
bỏ ngoài tai mọi quan tâm
của cộng đồng các quốc gia tự do trên thế giới

Ngoài những hoạt động tích cực và công khai
tranh đấu cho nhân quyền
ông Lưu còn là đồng tác giả bản Linh Bát Hiến chương
với hơn tám ngàn chữ ký của người dân Trung Hoa
mang nội dung kêu gọi cải cách chính trị sâu rộng
trên toàn đất nước ông
Những người ký tên vào bản Hiến chương thuộc đủ mọi thành phần:
Trí thức, văn nghệ sĩ, nông dân, công nhân,
tiểu thương, sinh viên, thường dân...
Ho khẳng khái đòi xóa bỏ chế độ cầm quyền độc đảng
thiết lập nền dân chủ đa nguyên
yêu cầu nhà nước độc tài cộng sản
tôn trọng nhân quyền và những quyền tự do căn bản
của tất cả người dân
Chính sự thách thức táo bạo chế độ độc tài của ông Lưu
đã đưa đến việc ông bị theo dõi và bắt lần cuối
cùng với các nhà trí thức khác
trong đêm ấn hành bản Linh Bát Hiến chương
vì chế độ cầm quyền Bắc Kinh cảm thấy bất an
quyết định đàn áp thẳng tay những người đối kháng

Ngày tên ông Lưu được Ủy ban giải thưởng Nobel của Na Uy
loan báo trao giải Nobel Hòa bình
chính phủ các nước tự do và các cơ quan nhân quyền quốc tế
đều ca ngợi quyết định sáng suốt của Ủy ban
Họ hân hoan chúc mừng ông
lên tiếng yêu cầu nhà cầm quyền Bắc Kinh
thả ông Lưu ra lập tức
và cho phép ông đi nhận giải
Trong khi đó chế độ độc tài cộng sản Trung Quốc
thì nổi giận đùng đùng vì đã thất bại
trong việc cảnh báo cứng rắn Ủy ban
không được trao giải Nobel Hòa bình
cho một tên "tội phạm"
Họ triệu tập đại sứ Na Uy để phản đối
và đe dọa mối liên hệ giữa hai quốc gia sẽ bị tổn hại
Một hành động hết sức thô lậu và vô lý
vì Ủy ban giải thưởng Nobel
là một cơ quan hoàn toàn độc lập của Na Uy
Ủy ban trao giải cho ông Lưu
vì họ quan niệm chính đáng về sự liên hệ tất yếu
giữa nhân quyền và hòa bình
mà ông Lưu là một biểu tượng đấu tranh đúng nghĩa
Nhà nước Trung Quốc còn kiểm duyệt gắt gao tin ông đoạt giải
và câu lưu những người dân Trung Quốc ủng hộ ông
tụ tập để chúc mừng

Ngày được trao giải Nobel Hòa bình, ông Lưu có lẽ
vẫn phải mặc áo tù phong phanh đi lao động
vẫn phải chịu hành nhục
vẫn phải chịu những đày đọa dã man
trên thể xác và tinh thần
từ bọn quản giáo cai tù khắc nghiệt
Ông Lưu có lẽ vẫn phải ăn cơm hẩm
vẫn phải ngủ trên sàn đất
những người biết ông đều nghĩ rằng
dù phải chịu đựng đói lạnh và khổ cực
ông vẫn sống bất khuất
tiếp tục chịu bản án khổ sai
lòng không thù hận với bạo quyền
với những kẻ đã âm mưu, vu cáo,
bắt giữ, và hành hạ mình
vì ông hy vọng sâu xa và mang niềm tin mãnh liệt
vào chính nghĩa đấu tranh
vào tương lai tốt đẹp cho đất nước ông

Có lẽ ông Lưu cũng không nghĩ mình đã trở thành
một trong những ngọn đuốc
soi sáng con đường đấu tranh
cho hàng nghìn nhà hoạt động dân chủ khác
không những ở Trung Quốc,
mà còn ở Cuba, Bắc Triều Tiên,
và ở Việt Nam...
đang nỗ lực dấn thân
đấu tranh bất bạo động
hy sinh không sợ nguy hiểm bản thân
hay cho gia đình
sẵn sàng nói lên sự thật
Vì họ tin tưởng mạnh mẽ
những hoạn nạn họ đang phải gánh chịu
sẽ làm xúc động lương tri nhân loại
và với sự hổ trợ thích đáng của thế giới tự do
các phong trào đấu tranh cho nhân quyền
và tự do dân chủ
sẽ có được sự thức tỉnh và tham gia
của mọi tầng lớp nhân dân
để đạt chiến thắng cuối cùng
Các chế độ độc tài cộng sản ngoan cố còn lại
sớm muộn sẽ phải sụp đổ như khối cộng sản Liên Sô
Tại sao một người ốm yếu của ông Lưu Hiểu Ba
đang sống mòn mỏi trong trại giam
lại có thể làm giới lãnh đạo Bắc Kinh
mất ăn mất ngủ
Có phải họ đang lo sợ
bánh xe lịch sử sẽ chuyển động xoay vần
bởi chính những tù nhân lương tâm?

Blogger template 'Fly Away' designed by Ourblogtemplates.com   © 2008

Back to TOP