16/04/2010

nếu sông là vũ khí


(đập Tiểu Loan, Vân Nam, Trung Quốc)

sông Mêkông xuất phát
từ miền cao nguyên Tây Tạng
nước sông đầu nguồn
trong lành tươi mát
chảy xuống phía nam
qua nhiều vùng đồi núi đồng bằng
khác địa lý khí hậu
khác dân tộc ngôn ngữ
khác văn hóa chính trị
nhưng dù chảy đến đâu
nước sông cũng phù sa mầu mỡ
nuôi thủy vật nuôi động vật
nuôi ruộng lúa nuôi người
tình của sông chân chất tràn đầy

nhưng từ những năm gần đây
sông Mêkông không còn xuôi chảy nữa
mà đã bị dồn ép nắn dòng
trên thượng nguồn Trung Quốc
khi họ xây những đập nước khổng lồ
Mạn Loan, Cảnh Hồng, Đại Chiếu Sơn...
và họ đang hoàn thành đập Tiểu Loan
với hồ chứa cực lớn
dung lượng lên đến 15 tỷ thước khối
nhằm mục đích trữ nước
chuyển đổi thủy lưu
tạo ra điện lực
loại năng lượng mà người dân Hán
không bao giờ hết khát

những đập nước vĩ đại thượng nguồn
mặc dầu cung cấp thủy điện dồi dào
cho nền kinh tế kỹ nghệ phát triển
nhưng cũng tác hại vô cùng
hàng ngàn hecta đất nông nghiệp và đất rừng
bị nhận chìm thô bạo
nước sông bị ô nhiễm vì chất thải
từ những công nghiệp nặng quanh vùng
nông dân nghèo bị cưỡng bách tái định cư
phải sống xa quê cha đất tổ

đó là về phần Trung Quốc
nhưng khi thủy năng sông tự nhiên bị mất
và phần lớn phù sa bị giữ lại thượng nguồn
thì mấy chục triệu dân Việt Nam
ở hạ lưu đang sống bình yên
phải đối phó với những nguy cơ khủng khiếp
mực nước sông xuống thấp kỷ lục
nhiều nơi bờ sông bị xói mòn sạt lở
đất trồng trọt thiếu nước cho canh tác lúa
dân thiếu nước sinh hoạt
sinh thái môi trường bị xáo trộn
cá di trú không biết phải đi đâu
thủy sản bị sút giảm
nhiều giống cá bị đe dọa tuyệt nòi
kênh đào có nơi bị cắt giao lưu
thêm với nguy cơ nước biển tràn vào
do những biến đổi khí hậu
có nơi ruộng đất hóa phèn
không trồng trọt được

nhưng còn một vấn đề nghiêm trọng khác
đó là vấn đề an ninh quốc gia
có người giả sử nếu Trung Quốc
với chính sách điều chỉnh thủy lưu bí mật
muốn tạo sức ép chính trị và kinh tế
vì ở thượng nguồn nên nắm thế thượng phong
họ sẽ dùng nước sông Mêkông làm vũ khí
bằng cách cho các đập
xả nước với dung lượng lớn vào mùa lũ
trữ nước với dung lượng cao vào mùa khô
thì thảm họa thật khôn lường
còn khủng khiếp hơn thiên tai
cho một nước ở vùng hạ lưu
như Việt Nam sống nhờ vào nông nghiệp
chúng ta làm sao có thể tự trấn an
vào những lời hứa lấy lòng
từ một nước láng giềng luôn đóng vai kẻ cả
khi họ đang hung hăng
khống chế biển Đông

lúc sông Mêkông bị Trung Quốc dồn ép
chảy vào những đập lớn thượng nguồn
rồi bị trị thủy đủ cách
ai đó hỏi: sông có thấy đau
có thấy mình bất hòa
trở thành nguy hiểm ?

Blogger template 'Fly Away' designed by Ourblogtemplates.com   © 2008

Back to TOP